Tảo hôn là gì? Những hệ lụy đến từ việc tảo hôn là như thế nào?
Xã hội, con người ngày càng phát triển, từ đó suy nghĩ của chúng ta cũng dần thay đổi. Tình yêu và việc kết hôn của các bạn trẻ cũng thoáng hơn, các bạn có quyền yêu nhau, có quyền kết hôn nhưng phải tuân theo đúng các quy định của Nhà nước. Thế nhưng ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi hẻo lánh nơi dân tộc ít người sinh sống vẫn còn một hủ tục lạc hậu đó là tảo hôn. Có lẽ chúng ta đã nghe cụm từ này rất nhiều lần trên báo, tivi, hay các trang mạng xã hội. Vậy tảo hôn là gì? Vì sao tảo hôn lại đem đến những hệ lụy vô cùng to lớn sau này? Để trả lời cho những câu hỏi này mọi người hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Tảo hôn là gì?
Tảo hôn là tình trạng kết hôn khi một trong hai bên nam, nữ hoặc cả hai bên chưa đủ điều kiện kết hôn về độ tuổi nhưng vẫn tiến hành việc lấy chồng, cưới vợ. Theo quy định của pháp luật khi kết hôn nam phải đủ 20 tuổi và nữ phải đủ 18 tuổi. Tảo hôn là tình trạng vẫn còn khá phổ biến ở các dân tộc ít người, những nơi vùng núi như: Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai,…
Một số ví dụ điển hình về tình trạng tảo hôn:
_ Một bé trai A năm nay chỉ mới 15 tuổi và một bé gái B vừa tròn 10 tuổi, bị cha mẹ 2 bên gia đình bắt ép cưới nhau. Lẽ ra ở tuổi này các em chỉ lo ăn, lo học thế nhưng lại bị ép lập gia đình, gánh vác chuyện cơm áo gạo tiền. Đây là một trong những hành vi tảo hôn, vi phạm pháp luật hiện nay.
_ Cô bé H năm nay vừa lên lớp 7 thì bị gia đình bắt nghỉ học để lấy chồng là anh L 19 tuổi. Con đường tương lai của em H lẽ ra sẽ rất tươi sáng, nhưng vì hủ tục lạc hậu là “tảo hôn”, vì gia đình em chưa đủ nhận thức về việc kết hôn đã làm giấc mơ đến trường của em kết thúc.
_ Ngoài ra còn có trường hợp, cả 2 bên nam nữ tự nguyện cưới nhau và làm đám cưới dù chưa đủ tuổi. Có lẽ do những hiểu biết của các em về việc kết hôn còn quá ít dẫn đến những sai lầm và hệ lụy cho sau này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn phổ biến ở vùng đồng bào các dân tộc ít người:
_ Do những hạn chế trong công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật, giáo dục. Bời những yếu tố như: trình độ dân trí thấp, ngôn ngữ khác biệt vì đa số nhiều người dân không nói được tiếng phổ thông, nhiều người không biết chữ,…
_ Việc xử lý tình trạng tảo hôn còn thấp, chưa đủ sức để răn đe. Bên cạnh đó hầu hết cộng đồng dân tộc ít người còn rất nghèo do đó việc xử lý nộp phạt cũng rất khó khăn.
_ Đời sống khó khăn khiến hầu hết cha mẹ phải lo kiếm tiền, không có thời gian nhiều để chăm sóc, quan tâm con cái. Khiến các bạn trẻ có suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và phải kết hôn khi chưa đủ tuổi.
_ Những hủ tục lạc hậu duy trì từ đời này sang đời khác, dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ, nhận thức của mọi người dân thuộc dân tộc ít người như ” cha mẹ đặt đâu con ngồi đó“, “ trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng “.
Những hệ lụy mà tảo hôn để lại:
Tảo hôn đem đến những hệ lụy khó lường cho các bạn trẻ, con cái, gia đình và cả cộng đồng về nhiều mặt như: sức khỏe, kinh tế, tinh thần, môi trường giáo dục, xã hội,…
_ Sức khỏe: tảo hôn dẫn đến việc sinh con sớm, đối với các bạn nữ dưới 18 tuổi việc sinh con là vô cùng nguy hiểm. Bởi ở tuổi đó cơ thể vẫn chưa được hoàn thiện một cách toàn diện, việc sinh con có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ lẫn con. Và còn gây ra những di chứng cho bé sau này như suy dinh dưỡng, phát triển chậm,…
_ Kinh tế: tảo hôn khiến cho các em nhỏ phải lao vào kiếm tiền khi chưa đủ tuổi là việc vô cùng khó khăn. Vì khi đó các em không có trình độ học vấn, không đủ sức khoẻ. Từ đó tình trạng đói nghèo tăng cao, trẻ em sinh ra không được chăm lo đầy đủ, không được đến trường.
_ Tinh thần: tinh thần là một phần của linh hồn con người, đặc biệt là ở các em nhỏ. Nhưng khi kết hôn quá sớm các em sẽ không được vui chơi, giải trí, thư giãn khiến tinh thần trở nên áp lực và mệt mỏi.
_ Môi trường giáo dục: việc kết hôn khi còn quá nhỏ làm cho các em phải dừng việc học tập. Từ đó thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức xã hội, mất đi cơ hội tìm kiếm việc làm và không phát triển được khả năng, tài năng của bản thân.
_ Xã hội: tảo hôn cũng đem đến những hệ lụy không hề nhỏ cho xã hội. Việc kết hôn và sinh con sớm làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số, làm tăng khả năng trẻ em sinh ra bị thiểu năng về thể chất, trí tuệ. Gây ra những ảnh hưởng lớn về việc phát triển kính tế, xã hội, đất nước.
Dù ảnh hưởng lớn hay nhỏ thì tảo hôn đã và đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp tục tiếp diễn thì sẽ có rất nhiều trẻ em bị ảnh hưởng, bị cướp quyền học tập, vui chơi và trở thành nạn nhân của” tảo hôn“. Vì vậy vì tương lai của đất nước, của trẻ em Việt Nam mong rằng chúng ta sẽ cùng nhau chung tay làm giảm thiểu tình trạng này để mọi trẻ em Việt Nam đều được phát triển toàn diện.
Tác giả: Ngọc Lê.